Tin Hoạt động >> Chính trị

Một số điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra (sửa đổi)

16/11/2022 04:55:21 Xem cỡ chữ Google
Sáng 14/11, với 459/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), gồm 8 Chương, 118 Điều.

Luật Thanh tra (sửa đổi) có một số điểm mới đáng chú ý sau:

ĐƯỢC THÀNH LẬP THANH TRA TỔNG CỤC, CỤC

Điều 18 quy định thanh tra tổng cục, thanh tra cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc thành lập thanh tra tổng cục, cục phải không làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ.

Với những nơi đã được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hoặc chưa được Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của Chính phủ.

UBND TỈNH ĐƯỢC GIAO QUYỀN THÀNH LẬP THANH TRA SỞ

Theo quy định tại Điều 26, Thanh tra sở được thành lập trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua quy định rõ thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.

QUY ĐỊNH RÕ THỜI GIAN BAN HÀNH KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 78 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Luật Thanh tra (sửa đổi) đã nêu rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra. Quy định này để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng có điểm mới đáng chú ý về quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra tại Điều 9, như sau:

CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA

1. Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:

a) Thanh tra Chính phủ;

b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là thanh tra tỉnh);

c) Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là thanh tra huyện);

d) Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

2. Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:

a) Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là thanh tra bộ);

b) Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương (gọi chung là thanh tra tổng cục, cục);

c) Thanh tra sở.

3. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

4. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Cơ yếu Chính phủ.

5. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Trong đó, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Khánh Ly - Văn phòng Thanh tra tỉnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h